Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng mới được lập thành 3 bộ và nộp tại UBND Quận/Huyện gồm:
– Đơn xin cấp giấy phép xây dựng (theo mẫu) do chủ nhà đứng tên.
– Bản sao có thị thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất, kèm theo bản trích lục bản đồ đất hoặc trích đo trên thực địa xác định sơ đồ ranh giới lô đất, cao độ và tỉ lệ đúng quy định địa chính.
– Giấy phép đăng ký kinh doanh (nếu là công trình xây dựng của doanh nghiệp).
– Hồ sơ thiết kế gồm: Mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/200–1/500, sơ đồ vị trí công trình, mặt bằng các tầng, mặt đứng và mặt cắt công trình tỷ lệ 1/100, mặt bằng móng, chi tiết mặt cắt móng, sơ đồ cấp thoát nước, điện.
Bước 1: Nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện nơi chuẩn bị xây dựng nhà ở và muốn xin giấy phép xây dựng.
Bước 2: Trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền
Tiếp nhận hồ sơ;
Kiểm tra hồ sơ;
Yêu cầu bổ sung thêm giấy tờ nếu hồ sơ thiếu;
Viết giấy biên nhận hồ sơ;
Trao giấy biên nhận cho người sử dụng đất;
Tiến hành thủ tục làm giấy phép xây dựng khi hồ sơ hợp lệ;
Bước 3: Sau đó, người sử dụng đất tới nơi tiếp nhận hồ sơ theo thời gian ghi trong giấy biên nhận để nhận kết quả và nộp lệ phí theo quy định. Người sử dụng đất nhận giấy phép xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế có đóng dấu của cơ quan cấp giấy phép xây dựng hoặc văn bản trả lời (đối với trường hợp không đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng).
Người xin giấy phép xây dựng phải có một trong những loại giấy tờ cơ bản sau:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy đỏ), nếu làm nhà trên nền đất trống.
– Giấy chứng nhận QSHNƠ & QSDĐƠ (Giấy hồng) hoặc Giấy chứng nhận sở hữu nhà, nếu làm nhà trên nền nhà cũ.
– Quyết định giao đất, cho thuê đất của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ địa chính mà không có tranh chấp.
– Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp (gồm: Bằng khoán điền thổ hoặc Trích lục, Trích sao bản đồ điền thổ, Bản đồ phân chiếc thửa, Chứng thư đoạn mãi đã thị thực, đăng tịch, sang tên tại Văn phòng chưởng khế, Ty điền địa, Nha trước bạ).
– Giấy tờ thừa kế nhà, đất được UBND phường xã xác nhận về thừa kế, không có tranh chấp.
– Bản án hoặc Quyết định của Tòa án nhân dân hoặc Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật.
– Giấy tờ chuyển nhượng đất đai, mua bán nhà ở kèm theo quyền sử dụng đất ở được UBND Phường/Xã/Thị trấn, Quận/Huyện xác nhận không có tranh chấp.
– Các loại giấy tờ hợp lệ về nhà ở, đất ở theo Quyết định 38/2000/QĐ-UB-ĐT ngày 19–6–2000 của UBND Thành phố.
Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ theo pháp luật quy định như trên, người xin cấp giấy phép phải liên hệ trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền cấp phép để được cấp phép xây dựng.
-Tại Sở Xây dựng: đối với những công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp 1, công trình tôn giáo, di tích lịch sử, miếu đình, tượng đài, quảng cáo, tranh hoành tráng, công trình trên các tuyến, trục đường chính TP do UBND TP qui định.
-Tại UBND quận, huyện: nhà ở riêng lẻ của người dân và các công trình xây dựng khác thuộc địa giới hành chính quận, huyện.
-Ban quản lý đầu tư và xây dựng: các khu đô thị mới, khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ cao: tất cả trường hợp xây dựng mới, công trình xây dựng tạm, sửa chữa cải tạo mà theo qui định phải xin giấy phép xây dựng trên phạm vi ranh giới khu đô thị, chế xuất, công nghiệp đó.
-UBND xã: nhà ở riêng lẻ ở điểm khu dân cư nông thôn đã có qui hoạch xây dựng thuộc địa giới hành chính xã.
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định, kiểm tra thực địa và xác định các giấy tờ còn thiếu hoặc cần chỉnh sửa để thông báo cho chủ đầu tư bổ sung hoàn chỉnh.
– Nếu vẫn chưa đáp ứng đủ yều cầu thì cơ quan cấp phép thông báo và hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Nếu sau 02 lần mà hồ sơ vẫn chưa đúng điều kiện thì có thể xem xét việc không cấp giấy phép xây dựng
Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian quy định dưới đây:
a) Đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới, bao gồm cả giấy phép xây dựng tạm, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời, thời gian không quá 20 ngày làm việc đối với công trình; 15 ngày làm việc đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị; 10 ngày làm việc đối với nhà ở nông thôn, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;
b) Đối với trường hợp cấp lại hoặc gia hạn giấy phép xây dựng: Không quá 10 ngày làm việc.
– Trường hợp đến hạn nói trên, nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn.
– Chủ đầu tư căn cứ thời gian ghi trong giấy hẹn để đến nhận hồ sơ và nộp lệ phí, giấy phép xây dựng có hiệu lực 01 năm và có thể xin gia hạn 06 tháng.
– Nếu quá thời hạn ghi trong giấy biên nhận mà cơ quan cấp giấy phép xây dựng nhà phố không trả lời thì chủ đầu tư được phép xây dựng công trình theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định có trong hồ sơ đề nghị cấp phép.
Thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà ở chỉ gói gọn trong vòng tối đa là 21 ngày nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Việc xin cấp phép xây dựng nhà ở không hề khó, nhưng không phải luôn luôn thuận lợi trong thực tế.
Trên đây là những thông tin cơ bản về thủ tục xin Giấy phép xây dựng ở TPHCM mà CÔNG TY TNHH THIẾT KẾ XÂY DỰNG KIẾN TRÚC TECA chia sẻ. Hi vọng chúng sẽ hữu ích với bạn. Trong từng trường hợp cụ thể, giấy tờ hồ sơ xin giấy phép xây dựng có thể sẽ bị thay đổi. Bạn hãy liên hệ để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này.